Tại Việt Nam, trong số các trẻ em bị tử vong do tại nạn thương tích, thì tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) chiếm tới 50%. Chính vì vậy, cần nâng cao nhận thức và phòng chống TNGT cho trẻ em và cộng đồng, bằng việc phát huy sự tham gia của chính các em.
Trẻ em dễ bị tai nạn khi tham gia giao thông, do ý thức về an toàn giao thông của trẻ chưa cao. Các em không chấp hành luật và các quy định về an toàn giao thông như: vượt đèn đỏ, đi bộ dưới lòng đường, băng qua đường bất ngờ, không quan sát, đùa nghịch, đu bám tàu xe, đá bóng dưới lòng đường, phơi rơm rạ trên đường giao thông, đạp xe dàn hàng ngang lấn chiếm làn đường của các phương tiện khác, vượt trước mũi ô tô, xe máy, hoặc lên xuống xe không quan sát trước, sau nên dễ bị va quệt.
Ý thức tham gia giao thông phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người. Nếu trẻ em chưa có nhận thức đúng khi tham gia giao thông, thì nguy cơ bị tai nạn thương tích tiềm tàng vẫn còn rất lớn. Do đó, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo cần dạy các em có kỹ năng sống và kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có TNGT.
Người lớn hướng dẫn trẻ em
Làm quen và học thuộc quy định của đèn tín hiệu giao thông (xanh được đi, đỏ dừng lại, vàng chuẩn bị đuợc đi) và một số đèn biển báo giao thông cần thiết như không đi ngược chiều, cấm rẽ trái, chú ý có tàu chạy qua...
Dạy cho trẻ biết, trẻ em dưới 7 tuổi khi qua đường cần có người lớn đi kèm. Đối với trẻ mầm non, dạy các em biết đi theo hàng, nắm tay nhau hoặc nắm áo nhau và không chạy nhảy, đùa nghịch khi đang đi trên đường.
Chỉ qua đường khi đèn xanh và đi ở những nơi có vạch chỉ dẫn dành cho người đi bộ, đi cầu vượt.
• Nếu bắt buộc phải qua đường chỗ không có vạch như trên, cần dừng lại lề đường và quan sát các phương tiện giao thông bên trái, bên phải mình.
Đi bộ trên vỉa hè, nơi không có vỉa hè thì đi bên phải đường.
Không đi dàn hàng ngang trên đường.
Đi từ trong ngõ ra, cần quan sát kỷ, không được chạy vụt ra đường.
Khi muốn rẽ phải, rẻ trái cần quan sát sau đó bật đèn xi nhan (nếu đi xe đạp điện) hoặc giơ tay xin rẽ (nếu đi xe đạp thường).
Luôn nhường đường cho người đi bộ.
Không lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe khi đi trên đường.
Dừng xe khi có đèn đỏ và đi trên đường phải tuân thủ các tín hiệu giao thông.
Không đèo 2 - 3 người và đi dàn hàng ngang ra đường. Đi đúng phần đường dành cho phương tiện giao thông mình đang sử dụng.
Không đua xe.
Không chơi dưới lòng đường, vỉa hè, gần các khu vực đỗ ô tô.
Theo ủy ban An toàn giao thông toàn cầu, mỗi năm TNGT cướp đi 1,2 triệu sinh mạng trên toàn thế giới, làm 50 triệu người khác bị thương. Mỗi ngày, có 500 trẻ em qua đời (trung bình 3 phút có 1 trẻ em tử vong) Vì TNGT.
Không đùa nghịch trên ô tô, xe buýt và gần chỗ có xe đỗ. Không nhảy, đeo bám các phương tiện giao thông. Khi đứng đợi xe buýt phải lùi lại 3m hoặc 5 bước, đến khi xe dùng hẳn mới lên. Không chen lấn, xô đẩy khi lên xe buýt và ngồi yên tại chỗ, không thò đầu, thò tay ra ngoài. Cha mẹ và người lớn nên giúp trẻ thực hành thành thạo, trước khi cho phép trẻ qua đường một mình.
Nếu nhà ở gần đường mà có trẻ nhỏ, cần làm hàng rào chắn trước cửa nhà và dạy trẻ không được phép vượt qua rào chắn. Quan sát kỹ mỗi khi đi từ trong ngõ ra ngoài đường và đi ngang qua đường. Nếu đi xe cần giảm tốc độ, bấm còi hoặc chuông... đề phòng trường hợp có người chạy băng ra đường sẽ va chạm gây tai nạn.
Kỹ năng sống
Trẻ dưới 12 tuổi không nên đi xe đạp ra đường và trẻ dưới 18 tuổi không được đi xe máy khi tham gia giao thông.
Trẻ từ 6 tuổi trỏ lên phải đội mũ bảo hiểm (đúng chủng loại và kích cỡ mũ dành cho trẻ em) khi tham gia giao thông cùng bố mẹ trên xe máy. Nhắc nhỏ trẻ đội mũ đúng cách.
Hướng dẫn trẻ cách đi xe trên đường và xử lý một số tình huống thường gặp phải. Trước khi cho trẻ tự đi, cha mẹ, anh chị cần đi kèm trẻ một thời gian để rẻ thực sự quen xe, quen đường biết xử lý tình huống bất ngờ mới cho đi một mình. Dạy trẻ cách kiểm tra các phương tiện giao thông như phanh xe, bàn đạp, đèn xi nhan, bánh xe đủ hơi... đảm bảo cho lưu thông an toàn. Trẻ cần biết rằng nếu buộc phải ra đường vào trời tối, phải mặc quần áo sáng màu, có quần áo phản quang càng tốt, để các phương tiện khác biết tránh.
Khi tham gia giao thông đường thủy, trẻ cần biết mặc áo phao, không lên tàu quá đông và chen lấn, xô đẩy trên tàu, phà. Đồng thời, dạy trẻ tuyệt đối tuân theo những quy định an toàn trên tàu (không chạy đi chạy lại, thò đầu, thò chân... ra ngoài cửa sổ tàu, thuyền) lúc tàu chạy.
Để hạn chế TNGT, gia đình, nhà trường, xã hội cần chủ động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về an toàn giao thông dưới nhiều hình thức khác nhau như: Phổ biến luật giao thông cho toàn xã hội; Tuyên truyền để các em thấy rõ các tình huống dẫn tới TNGT, những nguy cơ và hiểm hoạ của TNGT đối với sức khoẻ con người; Giúp các em có những hiểu biết và tuân thủ các quy tắc luật lệ về an toàn giao thông, luật an toàn giao thông nâng cao thức tham gia giao thông cho học sinh. Các ngành, các cấp, các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn nữa đến sự an toàn của trẻ em trong khi tham gia giao thông, cố gắng tạo dựng một môi trường an toàn của trẻ em và cộng đồng, loại bỏ các nguy cơ gây TNGT cho trẻ em.
(Nguồn Theo Tuấn Nam Viện tâm lý giáo dục)